Sưu tầm đồ cổ - Thú vui không chỉ dành cho các lão niên
N.T.N người Bắc Ninh, nhà ở gần chùa Dâu, "khét tiếng" là tay sành "đi sứ" tìm cổ vật. Đến nhà N, dễ ngợp trước một cơ ngơi mênh mông hàng rào xi-măng cao vút. Hai giá sắt to đùng nào gốm Lý, gốm Hán, cái sứt vòi, cái bể miệng, một đống cối đá, bình đồng... mốc xanh mốc đỏ. Chủ nhân của các hiện vật, chủ yếu là "đồ đào" ấy mới ngoài 30 tuổi. Chơi thành một "hội" với N. là những anh em chủ yếu sưu tầm gốm Đông Sơn, ngọc, đèn cổ, tiền, sứ Tàu, lam Huế... Họ có chừng hơn chục người, chưa ai đến tuổi "ngũ thập" nhưng đều rất rành về giám định chất lượng, xem hàng, định giá, y như... các cụ có thâm niên trong nghề. Ai trong số họ cũng đều dăm lần "đi sứ" đến tận nguồn. Lên Lạng Sơn tìm đá cổ, xuống Thanh Hóa soi trống, vào Huế xem đồ Lam…
Biết rõ những cổ vật đáng đồng tiền bát gạo mà nếu đầu tư, sẽ dễ đem lại lợi nhuận khổng lồ, thế nhưng, đối với họ, tiền bạc chẳng có ý nghĩa bằng việc sưu tập được một món đồ có niên đại từ lâu, hoàn thiện không bị hỏng... Và sưu tập để rồi cho vào bộ, lâu lâu đem ra... ngắm chơi là đủ "sướng lắm".
Một người điển hình trong số họ và có lẽ "đứng tuổi" nhất là L.Đ.T.. Thích đồ cổ bắt đầu từ khi đến nhà các cụ Lang Cam, Lang Bắc ở Hàng Đường, Hàng Bạc, nổi danh vì thú chơi cổ vật tao nhã những năm đầu thế kỷ 20. 13 tuổi, được cụ Lang Cam tặng cho một viên ngọc lục bảo nhỏ. Từ đó, T không còn say mê gì hơn ngoài chuyện sưu tập cổ vật. Có ba căn nhà thừa tự, bán tất để đổi lại một bộ sưu tập tranh thủy mạc Trung Quốc, một tủ đựng đầy đồ sứ Tàu nào bình miệng loe, miệng khép, đĩa, tô, bát, ấm uống trà, đôn, chóe, thống, chậu... với các tích "đạp tuyết tầm mai", "ngư tiều canh mục"... Ở nhờ nhà vợ mấy chục năm, thỉnh thoảng mới "rứt ruột" bán mấy viên đá ngọc bích, mã não hay một món nào đó, không phải để đỡ đần vợ con mà là mua thêm hàng mới. Khi được hỏi "mua mà không bán, sưu tập nhiều thế mà làm gì?...", T. cười: "Tớ thích thì chơi. Đời tớ không bán. Đời con tớ tha hồ mà bán. Nhìn là sướng rồi, việc gì phải... lăn tăn?".
Còn trẻ nhất trong số họ là L.V. ngoài 30 tuổi, nổi danh với bộ sưu tập gốm Hán, gốm cổ Việt từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ tám. Xuất thân từ một tay thợ hàng mỹ nghệ, đến thời điểm này, trong căn nhà đầu phố Hàng Gà, anh đã "tậu" khá đủ cả ấm, thạp, bình vôi, các kiểu nồi, kiểu nhà... Gốm Đông Sơn và gốm Hán có cùng đặc điểm là đất nung không men, thô mộc, lại được bày trên những chiếc tủ cổ nước gỗ sậm nâu, trông rất bắt mắt. Bao người đã đánh tiếng, V. không bán. Hôm cưới vợ, quà tặng làm lễ dẫn cưới của V. là... hai cái thạp gốm Đông Sơn, mà theo anh là vô giá (!). Mới đây, để mừng cho đứa con trai chuẩn bị chào đời, V. đã "chơi ngông hết biết" mua luôn một cái... đầu máy xe lửa hơi nước, chỉ để... gửi bên ga Gia Lâm. Đã có lần sau khi "chén chú chén anh", V. ngà ngà tuyên bố: "Không bao giờ bán bộ sưu tập gốm mà sẽ tặng lại nó cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chỉ cần tên mình được ghi trên bộ sưu tập đó". Nếu câu nói này của anh trở thành hành động, đây sẽ là tin vui cho những ai quan tâm đến việc bảo tồn những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc…
Ngày nay, ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố như Nam Định, Hải Phòng... đã có một sân chơi cổ vật "tư doanh" hình thành song song với sân "quốc doanh" và chuyện những người trẻ tuổi chơi đồ cổ không còn xa lạ nữa. Chắc chắn trong tương lai gần, sẽ có một "thị trường" hoạt động theo quy luật cung cầu, có tổ chức giám định, đấu giá... nắm bắt những cổ vật quý hiếm và chính sách để khuyến khích thêm nhiều người hiểu biết, tiến đến có sở thích sưu tập, bảo tồn những giá trị tinh hoa còn lại cho đời sau, đặc biệt là những người trẻ tuổi, có kinh tế, giúp họ giữ lại những cổ vật và trao đổi cho nhau như một thú chơi tao nhã...
Hà Linh
Sưu tầm - Trích dẫn
BÀI VIẾT LIÊN QUAN